Quy định về việc đăng ký kết hôn

0
1302

Hiện tại chưa có một văn bản pháp luật nào định nghĩa hay giải thích cho thuật ngữ “đăng ký kết hôn”. Từ điển Tiếng Việt có giải thích “đăng ký là ghi vào sổ của Cơ quan quản lý để chính thức được công nhận cho hưởng quyền lợi hay làm nghĩa vụ”. Theo đó, có thể hiểu đăng ký kết hôn là thủ tục do các bên nam nữ thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền, từ đó sẽ phát sinh các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trước pháp luật.

Pháp luật HN&GĐ của Nhà nước ta từ năm 1945 đến nay quy định khá đầy đủ về việc đăng ký kết hôn. Cụ thể là, Điều 11 Luật HN&GĐ năm 1959, Điều 8 Luật HN&GĐ năm 1986 và Điều 11 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định:

Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi là cơ quan đăng ký kết hôn) thực hiện theo nghi thức quy định tại Điều 14 của Luật này.

Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định tại Điều 14 của Luật này đều không có giá trị pháp lý.

Nam nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Vợ chồng đã ly hôn muốn kết hôn lại với nhau cũng phải đăng ký kết hôn.

Sở dĩ, Nhà nước ta quy định đăng ký kết hôn là thủ tục pháp lý bắt buộc khi hai bên nam, nữ muốn xác lập quan hệ vợ chồng bởi những lí do sau:

– Thứ nhất, thông qua việc đăng ký kết hôn, Nhà nước sẽ kiểm soát việc tuân theo pháp luật của công dân, xét xem họ có tuân thủ các điều kiện kết hôn theo quy định hay không, do đó có thể hạn chế được các trường hợp kết hôn trái pháp luật như: tảo hôn; vi phạm chế độ Hôn nhân một vợ, một chồng; kết hôn do một bên bị ép buộc hoặc lừa dối,…

– Thứ hai, đăng ký kết hôn là một trong các hoạt động quản lý hành chính Nhà nước về công tác hộ tịch (khai sinh; khai tử; nhận cha, mẹ, con…) Bởi vậy thực hiện tốt việc đăng ký kết hôn sẽ góp phần giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý công tác hộ tịch ở địa phương.

– Thứ ba, việc cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật HN&GĐ giữa vợ và chồng, bao gồm các quan hệ về nhân thân và tài sản. Giấy chứng nhận kết hôn là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên vợ, chồng.

Mọi nghi thức kết hôn khác như tổ chức lễ cưới tại gia đình hoặc kết hôn theo phong tục tập quán, tiến hành theo nghi lễ tôn giáo tại nhà thờ mà không có Giấy chứng nhận  kết hôn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thì không được công nhận là hợp pháp. Như vậy, việc kết hôn phải được đăng ký tại cơ quan đăng ký kết hôn thì mới có giá trị pháp lý, hai bên nam nữ mới phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng với nhau.

Về thủ tục đăng ký kết hôn, Điều 14 Luật HN&GĐ quy định:

Khi tổ chức đăng ký kết hôn phải có mặt hai bên nam, nữ kết hôn. Đại diện cơ quan đăng ký kết hôn yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện cơ quan đăng ký kết hôn trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch. Theo đó, việc đăng ký kết hôn được quy định tại Mục 2, Chương II như sau:

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký kết hôn là Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ thực hiện việc đăng ký kết hôn (Điều 17)

Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam nữ phải nộp tờ khai và xuất trình Giấy chứng minh nhân dân.

Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật HN&GĐ thì hai bên nam nữ sẽ được ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên vợ, chồng một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn. Trong trường hợp cần phải xác minh thêm thì thời hạn nói trên có thể được kéo dài không quá 5 ngày. (Điều 18)