Những phong tục tập quán và hủ tục lạc hậu trong hôn nhân

0
2196

Trong điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay, mặc dù trình độ văn hóa nói chung cao hơn, song ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thì trình độ văn hóa vẫn còn thấp, đời sống HN&GĐ của một số đồng bào dân tộc thiểu số còn bị chi phối nặng nề của phong tục tập quán do đó ảnh hưởng của các quy định pháp luật tới nhận thức của đồng bào chưa rõ rệt, đồng bào còn chưa thấy rõ được ý nghĩa của việc đăng ký kết hôn đối với quan hệ vợ chồng. Cuộc sống của vợ chồng phần nhiều được quyết định theo phong tục tập quán, quan niệm đạo đức truyền thống. Những phong tục tập quán đó có dấu ấn sâu sắc trong đời sống của đồng bào dân tộc, một mặt nó tạo ra bản sắc dân tộc riêng, nhưng mặt khác nó cũng gây ra những cản trở nhất định đến việc tiếp nhận các quy phạm pháp luật, tiếp nhận những nét văn hóa mới. Có thể kể ra một số phong tục cưới xin hiện nay được coi là trái với quy định của pháp luật HN&GĐ, nhưng nó vẫn đã và đang tồn tại, ăn sâu vào đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Luật tục của người Ê đê ở Tây Nguyên có phong tục khi cưới vợ, cưới chồng cho con trai, con gái thì nhà đó phải làm cỗ mời cả làng đến dự và chứng kiến, nếu nhà nghèo thì dân làng sẽ đóng góp cho, hai bên nam nữ lấy nhau không đăng ký kết hôn tại UBND. Những cuộc hôn nhân không tiến hành đúng nghi lễ này thì sẽ bị dân làng, dòng họ dùng luật tục để bắt phải tổ chức kết hôn lại.

Theo tập tục của người Thái, hôn nhân chỉ được nhà nước công nhận sau khi đã tổ chức nghi lễ cưới xin truyền thống. Để tổ chức nghi lễ này, nhà trai phải mang sang nhà gái “cống vật” bao gồm một lượng lớn thực phẩm, gia súc, rượu và một khoản tiền nhất định để lấy được người con dâu, nếu nhà trai đáp ứng được những đòi hỏi này của nhà gái thì lúc đó cô dâu, chú rể mới chính thức trở thành vợ chồng.

Ngoài ra, còn có một số dân tộc vẫn duy trì tục cướp vợ – cướp con gái nhà người khác về làm vợ mình mà không cần phải tuân theo các điều kiện về kết hôn, tức là không quan tâm đến sự tự nguyện của “đối tượng” kia, chứ chưa tính đến việc họ còn không tuân thủ quy định của Luật HN&GĐ về việc đăng ký kết hôn.

Qua một số ví dụ trên, có thể thấy: một vài dân tộc thiểu số ở nước ta coi lễ cưới theo phong tục tập quán có ý nghĩa quan trọng hơn nghi lễ kết hôn do Nhà nước quy định; họ có thể tự cho mình quyền không phải thực hiện việc đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, phong tục tập quán đã trở thành một rào cản cho việc trở thành vợ chồng trước pháp luật của hai bên nam nữ.