Lễ hỏi (1)

0
1921

Lễ hỏi

Lễ này tương ứng với lễ Nạp tệ, thứ tư trong “lục lễ”, nhưng ngày nay người ta gọi là lễ chính thức đầu tiên của một cuộc hôn nhân.

Trong lễ hỏi này, họ nhà trai qua nhà gái với một số quyến thuộc chọn lọc chừng 10 hoặc 12 người. Lễ vật bắt buộc phải có thường là:

1. Một khay trầu rượu có đầy đủ nhạo và ly.

2. Một đôi đèn sáp đỏ, có sơn nắn hình long phụng càng tốt.

3. Một số trầu cau theo yêu cầu của họ nhà gái.

4. Nữ trang cho cô dâu (thường là đôi bông tai hay đôi khoen tai).

5. Một số tiền gọi là tiền đồng, hay là tiền chợ, tiền nát (nạp tài).

6. Một cặp rượu, một cặp trà, hai hộp bánh và một sô trái cây.

Khay rượu chẳng những có rượu pha màu đỏ (rượu hồng) trong nhạo mà còn có thêm cau trầu têm sẵn. ở trên khay còn có hộp bằng đồng dành để đựng nữ trang cho cô dâu. Đôi đèn sáp (đèn cầy) đỏ dùng để “lên đèn” trên bàn thờ gia tiên nhà gái. Trước khi mua cặp đèn cầy này chàng rể cần phải xin phép trước để đo chân đèn của bộ lư nhà gái “ni tấc” mà mua hạng đèn cho đúng và cho xứng với bàn thờ. Khi đem qua nhà gái, nếu cặp đèn cầy nhỏ thì có thể gác ngang qua khay trầu rượu do chú rể bưng. Còn như cặp đèn cầy cỡ lớn thì hộp đựng đèn cầy phải do một người khác bưng.

Trầu cau phải đếm kỹ lưỡng đủ số, có số chẵn chứ không được lẻ.

Trầu phải tươi tốt, người ta thường tìm loại trầu vàng (sà lẹt nghệ). Số trầu này có thể sắp ra từng phần với cau theo yêu cầu của nhà gái. Cau nguyên buồng hay cau trái cũng tùy theo yêu câu nhà gái. Nếu nhà gái không đòi hỏi nhiều, chỉ đưa ý kiến là “có tượng trưng mà thôi” thì số trầu cau có thể như sau:

1. Trầu xếp ra làm 6 xấp, mỗi xấp có 4 lá, tổng cộng là 24 lá trầu. Số 6 tượng trưng cho “lục lễ”. Số 4 tượng trưng cho “tứ quý”. Tứ quý theo ý nghĩa của người miền Trung là Phước, Lộc, Thọ và Toàn. “Toàn” ở đây là toàn vẹn. ơ miền Nam có chỗ giải thích là Phước, Lộc, Thọ và Hỷ. Hỷ có nghĩa là vui.

2. Cau được người ta chọn cái chóp của buồng cau, tượng trưng cho cả buồng. Chóp là cái đuôi cuối của buồng cau, mà cũng có nghĩa là phần trên cuối cùng của buồng cau. Buồng cau tượng trưng cho sự sum suê, đầy tràn. Người ta cũng chọn một số chẵn cho sô trái cau. Thường từ 40 trái trở lên. Nếu trầu 24 lá thì cau 24 trái cũng đủ đặt để vào một quả tráp. Trầu cau nhiều, phải dựng bằng mâm lớn riêng biệt. Cau, người ta kỵ cát, chia, mà chỉ nói bẻ mà thôi. Dù cho ngày nay, người ta không nói tới điều cấm kỵ đó, song ta cũng phải có đủ hiểu biết để đừng sai phạm.

3. Nữ trang cho cô dâu trong lễ hỏi thường chỉ là một đôi hoa tai vàng. Ngày xưa ở nhà què, người ta dùng vàng y. Nhưng đôi hoa tai này phải búp (bông búp), vì bông nở chỉ dành cho lễ cưới. Ta có câu: “Bông búp về nàng, bông nở về anh!”. “Bông búp” là bông có cánh còn khép kín lại và “bông nở” là bông đã mở các cánh ra. Người con gái sau khi đã đính hôn, tức là đã có lễ hỏi thì phải mang luôn luôn đôi hoa tai đó. Vì vậy, khi ra đường, người ta nhìn thấy, hiểu ngay đó là cô gái đã có chồng sắp cưới, không thể lẫn lộn với các cô chưa có nơi nào “đặt cọc” hay các cô đã có chồng rồi.

Khi tổ chức lễ cưới cũng như tổ chức tiệc cưới, nữ trang cho cô dâu được đeo để mọi người chiêm ngưỡng, tán thưởng. Song sau đó, khi các nghi thức hoàn tất thì mọi người tổ chức ăn mừng tại nhà hoặc để tiện lợi hơn thì tìm đến các nhà hàng tiệc cưới HCM để đặt tiệc trước, tiện nghi hơn và trang trọng hơn hẳn.