Hôn nhân từng là phương thức tạo dựng mạng lưới liên minh xã hội

0
812

Trong hôn nhân, không chỉ liên quan giữa những người kết hôn, được thừa nhận có quan hệ giới tính với nhau, mà còn tạo dựng nên mạng lưới quan hệ xã hội với qui mô rộng lớn. Các quan hệ này được gọi là các quan hệ thông gia (quan hệ tạo nên qua hôn nhân), tương phản với quan hệ huyết thống (ruột thịt). Chỉ riêng quan hệ tính giao không tạo nên quan hệ với họ hàng bên chồng hay bên vợ, cũng không tạo nên quy tắc để xác định tư cách thành viên của con cháu trong nhóm xã hội nào đó.

Từ thủa sơ khai, trong xã hội bộ lạc, trước khi có nhà nước, các bộ lạc thường đối địch cạnh tranh với nhau. Xã hội được hiểu chỉ bao gồm hai nửa. Một nửa là “ta”, là “người mình” hay “đồng minh” và nửa kia là “nó” là “người khác” hay “đối phương”. Hôn nhân đã là cách tốt nhất để liên kết, biến “người khác” hay “đối phương” thành “người mình” hay “đồng minh”, là cách thức mà con người dùng để thiết lập mối quan hệ với bên ngoài, biến “người khác” thành “người mình” để giữ gìn sự ổn định.

Ở Việt Nam, tập tục hôn nhân 3 đăm (dòng họ) của người Thái ở Tây Bắc hay tục hôn nhân liên minh từ 3 mu (dòng tộc) trở lên của người Vân Kiều ở Lệ Thủy – Quảng Bình, Vĩnh Linh –Quảng Trị là những thí dụ sinh động về ý nghĩa liên minh xã hội của hôn nhân.

Ở người Thái mỗi tông tộc được gọi là một đăm, nguyên tắc ngoại hôn cấm có quan hệ hôn nhân trong khuôn khổ một đăm. Nguyên tắc này bắt buộc, nếu như người đàn ông của đăm A lấy một người đàn bà của đăm B làm vợ thì người đàn ông đăm B không được lấy đàn bà của đăm A làm vợ mà phải đi tìm người đàn bà của đăm C lấy làm vợ. Người đàn ông Thái gọi tất cả họ hàng bên vợ là “lúng ta”, còn người đàn bà gọi họ hàng nhà chồng là “nhính sao”. Theo qui luật vòng tròn một chiều như thế, quan hệ lúng ta – nhính sao liên quan tới ba đăm, tạo thành một chuỗi mặt xích.

Trong đó tất cả đàn ông đăm A có quyền lấy tất cả đàn bà đăm B (đàn ông đăm A là nhính sao, đàn bà đăm B là lúng ta), tất cả đàn ông đăm B có quyền lấy tất cả đàn bà đăm C (đàn ông đăm B là hính sao, đàn bà đăm C là lúng ta), tất cả đàn ông đăm C có quyền lấy tất cả đàn bà đăm A (đàn ông đăm C là nhính sao, đàn bà đăm A là lúng ta) [xem sơ đồ]. Trong một chuỗi các mắt xích của các đăm hợp thành liên minh hôn nhân thì mỗi đăm lần lượt phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo quan hệ hôn nhân với 2 đăm khác. Tình hình ở người Vân Kiều cũng tương tự (xem sơ đồ dưới đây) Ngày nay, sự liên minh này là để mở rộng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.

Nhưng trước kia, sự liên minh ấy có ý nghĩa rộng lớn và đa dạng hơn nhiều. Về mặt kinh tế, ý nghĩa của nó là mở rộng không gian sinh tồn. Tham gia liên minh với 2 “đăm” hay “mu” khác, mỗi một “đăm” hay “mu” như vậy có thể sử dụng đất đai, tài sản rừng của 2 “đăm” hay “mu” thành viên của liên minh. Trên lĩnh vực tự vệ, mỗi một “đăm” hay “mu” cũng nhận được sự hỗ trợ từ 2 “đăm” hay

“mu” liên minh để tăng cường sức mạnh tự vệ, một vấn đề rất cần thiết cho cuộc sống ngày trước. Và các mối liên hệ kinh tế, xã hội đó luôn được củng cố thường xuyên bằng các mối giây liên hệ tín ngưỡng – tôn giáo.

Ý nghĩa liên minh xã hội của hôn nhân còn được thể hiện qua việc chọn lựa đối tượng kết hôn. Trong xã hội truyền thống của người Việt, hôn nhân là việc của hai bên cha mẹ, hai họ dựng vợ gả chồng cho con cái. Có thể lý giải rằng tục lệ này xuất phát từ quyền lợi tập thể, mà trước hết là quyền lợi của gia tộc. Đối với tộc người Việt, vì quyền lợi của gia tộc mà việc duy trì dòng dõi là hết sức quan trọng, nên khi xem xét đến con người trong hôn nhân, trước hết người ta quan tâm đến khả năng sinh sản của người con gái. Vì vậy, kén dâu, lấy vợ thì phải chọn người con gái lưng chữ cụ (具) vú chữ tâm (心), phải là:

“Đàn bà đáy thắt lưng ong

Vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con”

Rất nhiều trường hợp chọn đối tượng kết hôn trong tầng lớp quí tộc hay vua chúa là để thực hiện một chiến lược liên kết nào đấy. Như __________các vua chúa thời phong kiến Việt Nam thường gả các

công chúa cho các thủ lĩnh của các tộc người ở miền rừng núi biên cương để thắt chặt mối quan hệ giữa triều đình với các tộc người đó, làm cho họ trở thành “phên dậu” của triều đình trong chiến lược phòng thủ đất nước. Vì vậy, GS, TSKH Trần Ngọc Thêm đã có lý khi nhận xét rằng: “Nhìn chung, lịch sử truyền thống hôn nhân của Việt Nam luôn là lịch sử hôn nhân vì lợi ích của tập thể, của cộng đồng: Từ những cuộc hôn nhân nổi danh như Mỵ Châu với Trọng thủy, công chúa Huyền Trân với vua Chăm Chế Mân, công chúa Ngọc hân với Nguyễn Huệ…, rồi vô số những cuộc hôn nhân của các con vua cháu chúa qua các triều đại được triều đình gả bán cho tù trưởng các miền biên ải nhằm củng cố đường biên giới quốc gia; cho đến tuyệt đại bộ phận các cuộc hôn nhân vô danh của thường dân – tất cả đều là làm theo ý nguyện của các tập thể cộng đồng lớn nhỏ, lớn là quốc gia, nhỏ là gia tộc”.

Tóm lại, hôn nhân là việc kết hợp tính giao giữa nam và nữ, nhưng không ở đâu, bất kỳ quốc gia nào, dù là khác nhau về chế độ chính trị xã hội, lại đồng nhất hôn nhân với quan hệ tính giao. Hôn nhân mang ý nghĩa văn hóa, là tiếng nói văn hóa của con người can thiệp vào tự nhiên và mang những đặc tính xã hộikinh tế sâu sắc. Tùy thuộc vào điều kiện xã hội và những yếu tố văn hóa tộc người mà hôn nhân diễn ra theo nhiều hình thái khác nhau, vừa phản ảnh qui luật chung nhất sự phát triển của xã hội loài người qua các giai đoạn lịch sử, vừa mang những đặc thù văn hóa tộc người, thong qua các sự kiện và quá trình dẫn đến việc kết hôn, hình thành một gia đình mới. Vì vậy, từ khi xuất hiện, hôn nhân luôn luôn là đối tượng của sự kiểm soát xã hội. Trong các xã hội chưa có luật pháp, hôn nhân chịu sự kiểm soát của tập quán pháp hay luật tục, còn trong xã hội có giai cấp hôn nhân luôn là đối tượng của luật pháp.