Hôn nhân đem lại những quyền lợi và trách nhiệm cho những người đã kết hôn với nhau

0
914

Cũng xét từ góc độ tự nhiên, một đứa trẻ sinh ra là kết quả của quan hệ giới tính, nhưng chế độ hôn nhân qui định việc chăm sóc, giáo dưỡng đứa trẻ đó thuộc về ai, cũng như đảm bảo cho nó được quyền thừa kế từ ai những quyền lợi về kinh tế và địa vị xã hội. Chỉ có trong hôn nhân mới hình thành nên mối quan hệ cha – con về mặt xã hội. Đó là quan hệ mà người cha và đứa con có quyền đòi hỏi lẫn nhau về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan đến địa vị xã hội, tài sản…. Nghĩa là người cha theo nghĩa sinh vật (genitor) chỉ được thừa nhận là người cha theo nghĩa xã hội (social father) qua địa vị là “người chồng của mẹ đứa trẻ”. Những tư liệu nhân học sau đây giúp chúng ta phần nào sáng tỏ về vai trò và ý nghĩa này của hôn nhân.

Theo nhà nhân học E.Evans Pritchard, ở người Nuer ở miền Đông châu Phi thuộc Etiôpia và Xuđăng và một số tộc người khác ở châu Phi, vào thập niên 1920, còn tồn tại những tập tục hôn nhân đặc biệt là hôn nhân không có đàn ông và hôn nhân với hồn ma.

Ở tập tục hôn nhân không có đàn ông, một người phụ nữ có thể cưới một phụ nữ khác làm vợ và trở thành “cha” của những đứa con do bà vợ sinh ra.

Người chồng nữ phải có trâu, bò làm sinh lễ nộp cho nhà vợ. Sính lễ nộp xong là cuộc hôn nhân hoàn thành. Khi ấy người chồng nữ tìm trong họ hàng bà con hay người bạn láng giềng của mình một người đàn ông làm cho vợ mình thụ thai. Khi những đứa con sinh ra, người chồng nữ được xã hội thừa nhận là “cha” của những đứa con đó. Những đứa con đó đặt tên theo bà và gọi bà là cha. Khi các con gái lấy chồng, bà được hưởng phần sính lễ. Bà quản lý nhà cửa, gia súc như một chủ hộ, các bà vợ của bà cũng đối xử tôn kính bà như một người chồng. Bà có thể trừng phạt, đòi bồi thường nếu các bà vợ quan hệ tính giao mà không có sự đồng ý của bà. Còn ở tập tục hôn nhân với hồn ma, khi có người đàn ông chết mà không có con nối dõi, người ta tin hồn ma ấy sẽ giận dữ, phá phách những người họ hàng còn sống. Vì thế để làm dịu sự giận dữ của hồn ma, một người anh em hay họ hàng với người quá cố sẽ cưới một phụ nữ “nhân danh người quá cố”. Sau khi sính lễ nộp xong, người phụ nữ trở thành vợ của người chồng hồn ma, mặc dù sống với người anh em hay bà con người quá cố. Con cái của cuộc hôn nhân này được coi chính thức là con của người cha hồn ma, đặt tên theo tên người cha hồn ma. Nhờ vậy, tên tuổi của người quá cố sẽ được lưu truyền mãi trong dòng họ [Emily A.Schultz, Robert H.Lavenda, trang 306-307].

Như vậy, cả hai trường hợp trên, người cha đẻ theo nghĩa sinh vật (genitor) đã tách khỏi người cha được thừa nhận chính thức về mặt xã hội (social father). Nó bao hàm sự phân biệt giữa người cha theo luật tục của một người con và người đàn ông đóng vai trò tạo ra thai nghén đứa con (genitor). Nhờ có hôn nhân mà sự kết hợp về mặt xã hội của người phụ nữ với người chồng là nữ hay người chồng hồn ma quan trọng hơn sự phối hợp giới tính của người phụ nữ với người thay thế.

Dưới góc độ kinh tế-xã hội, hôn nhân là một quá trình mà trong đó hai bên liên quan phải thực hiện một chuỗi các quyền lợi và nghĩa vụ với nhau. Khi một cuộc hôn nhân được thực hiện, theo tập quán thường có sự chuyển giao tài sản từ gia đình chú rể sang gia đình cô dâu, gọi là đồ “sính lễ”.

Những nghiên cứu Dân tộc học ở Đông và Nam Phi cho thấy đồ sính lễ thường bằng súc vật là trâu bò, vì ở đây trâu bò không chỉ có giá trị cao nhất về kinh tế mà còn có giá trị về mặt tinh thần.

Số trâu bò làm sính lễ thường được trao làm nhiều đợt và được coi là sự đền bù cho gia đình họ hàng cô dâu vì mất đi một lao động, còn gia đình họ hàng nhà trai thì nhận được một người có thể sinh

con đẻ cái cho mình. Tức là ở đây đã thực hiện một “nguyên lý trao đổi”, người ta dùng tài sản để đổi lấy năng lực (sinh con, lao động…) của cô dâu.

Không những thế, ở đây ý nghĩa của đồ sính lễ còn giải quyết được những quan hệ nhiều hướng, rộng lớn hơn việc đền bù cho nhà gái. Thường thì gia đình bên vợ lại sử dụng số trâu bò sinh lễ này để làm đồ sinh lễ cưới vợ cho những người con trai của gia đình mình. Nghĩa là một mối quan hệ thông gia mới lại được xác lập từ chung một đồ sính lễ. Như thế sính lễ làm cho cả chị em và anh em có thể có

chồng, có vợ. Những anh em trai lấy được vợ nhờ vào sinh lễ của các chị em gái là anh ta đã mắc nợ chị hay em gái của mình. Anh ta và người chị hay em gái đó có một mối rng buộc đặc biệt và được gọi là những người ruột thịt liên kết bằng gia súc. Và người chị hay em gái đó rất có quyền với anh hay em trai liên kết bằng gia súc của mình. Bà can thiệp vào việc người anh em trai đó lấy ai, có

thể bắt người anh hay em trai ấy và vợ của anh ta phải phục dịch mình. Trong một số trường hợp, bà bắt buộc người vợ của người anh em trai liên kết bằng gia súc phải công nhận bà là người chồng nữ,

phải tự đặt mình dưới quyền cai quản của bà, sinh con cho dòng họ bà và thong thường bà đòi người anh em trai này phải gả một đứa con gái cho con trai của bà.

Trong một số trường hợp, “nguyên lý trao đổi” lại được thực hiện bằng chính lao động của chú rể, thong qua tục “ở rể” của một số dân tộc.

Có thể lấy ví dụ về tục ở rể của người Thái ở Việt Nam. Người Thái ở Tây Bắc của Việt Nam theo chế độ phụ hệ, quyền gia trưởng và cư trú hôn nhân bên nhà chồng. Theo quan niệm phổ biến

của người Thái, khi con gái lấy chồng là bố mẹ mất đi một người lao động và chăm sóc mình, vì vậy để đền bù mất mát này chàng trai phải ở rể làm việc cho gia đình nhà vợ một số năm nhất định, rồi

mới được phép cưới cô gái làm vợ. Theo luật tục, nếu nhà vợ là dân thường thời gian ở rể là 6 đến 8 năm, còn đối với nhà vợ là gia đình giàu có thì phải tới 12 năm. Nếu vì một lý do nào đó như cha mẹ chàng trai già yếu, neo đơn… thì thời gian ở rể được phép giảm, nhưng không vuợt quá 1/3 thời gian quy định và phải nộp tiền bạc hay đồ dùng giá trị bằng số của cải mà chàng trai ở rể làm được trong

thời gian được giảm đó. Như vậy, hôn nhân không chỉ quy định những quyền lợi và trách nhiệm quan trọng cho những người trở thành vợ thành chồng của nhau, mà còn đem đến những quyền lợi và trách nhiệm cho cả gia đình dòng họ của hai bên. Nó thiết lập nên mối quan hệ trao đổi và liên minh liên hòan giữa một lọat dòng họ. Với ý nghĩa này có thể nói hôn nhân đóng vai trò như là một thiết chế xã hội.